Tiếng ViệtEnglish
banner 1 banner 2 banner 3

Tin tức

BSC: Giá thép sẽ sớm tăng trở lại, định giá cổ phiếu Tập đoàn Hoà Phát đang “rẻ”

28/05/2024 8:40 AM
 
Thị trường thép nội địa đang ghi nhận các tín hiệu cho thấy sức mua đang dần quay trở lại, mở ra triển vọng giá thép hồi phục trong nửa cuối năm nay. Qua đó, hỗ trợ thuận lợi cho kết quả kinh doanh của Tập đoàn Hoà Phát (mã cổ phiếu HPG).
 

Giá thép sẽ hồi phục dần trong nửa cuối năm nay

Giá thép
Tiêu thụ thép trên thị trường nội địa của Tập đoàn Hoà Phát đã ghi nhận sự hồi phục ấn tượng.

Theo đánh giá mới đây của BSC Equity Research, hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoà Phát (mã cổ phiếu HPG - sàn HoSE) đang ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực.

Trong đó, trong tháng 4/2024, sản lượng thép nội địa của Tập đoàn Hoà Phát đã tăng khoảng 35% so với tháng 3/2024. Trong đó, tăng trưởng sản lượng thép xây dựng là 24%, tôn mạ là 51%, và thép ống là 67% trong bối cảnh các đại lý tăng cường tích luỹ trở lại.

Đáng chú ý, việc các đại lý tích hàng vào tháng 4 là yếu tố đột biến khi thông thường, tháng 12 - tháng 3 hàng năm là giai đoạn tích hàng và tháng 4 sẽ là thời điểm bắt đầu xả hàng tiêu thụ. Việc các đại lý tích hàng trái vụ, phần nào phản ánh nhu cầu cuối đang cải thiện và tồn kho đại lý đang ở mức thấp, theo BSC Equity Research.

Đồng thời, tín hiệu tăng trở lại của sức mua còn được thể hiện thông qua việc biên độ dao động giảm giá của thép Việt Nam trên thị trường nội địa kể từ tháng 2 - tháng 4/2024 đã siết lại hơn khi so với mức biến động của giá thép Trung Quốc.

Cụ thể, do ngành thép Việt Nam phải nhập khẩu lượng lớn nguyên vật liệu đầu vào nên giá thép nội địa thường biến động tương đương hoặc mạnh hơn giá thép thế giới, đặc biệt là so với Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong giai đoạn từ tháng 2 - tháng 4/2024, theo dữ liệu của BSC Equity Research, giá thép xây dựng Việt Nam trên thị trường nội địa chỉ giảm 2%, thấp hơn rất nhiều so với mức giảm từ 10 - 15% của giá thép xây dựng trên thị trường Trung Quốc. Đồng thời, các đợt giảm giá vừa qua diễn ra tương đối nhỏ lẻ, chỉ giảm từ 100 – 200 đồng/kg/lần giảm.

Giá thép
Diễn biến giá thép tại Trung Quốc (bên trái) và giá thép tại Việt Nam (bên phải) trong thời gian qua. (Nguồn: Bloomberg, BSC Equity Research)

Ngoài ra, giá thép xây dựng Việt Nam hiện vẫn đang giữ ở mức cao hơn so với vùng đáy (hay còn được xem là vùng giá cân bằng) hồi tháng 10/2023 và tháng 10/2022. Các yếu tố này cho thấy sức mua của đại lý đang quay trở lại.

Cũng theo BSC Equity Research, mức giá thép hiện nay đã là vùng giá cân bằng cung - cầu, khó có thể giảm thêm, và dự kiến sẽ bắt đầu tăng trở lại trong nửa cuối năm nay nhờ thị trường thép Việt Nam và Trung Quốc hồi phục.

Yếu tố này sẽ thúc đẩy biên lợi nhuận gộp của Tập đoàn Hoà Phát dần phục hồi về giai đoạn bình thường vào nửa đầu năm 2025. Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận gộp của tập đoàn thép này đã đạt 13,5%, tương đương 1,8 triệu đồng/tấn thép.

Với biên lợi nhuận gộp thép nội địa (18 - 20%), trong khi thép xuất khẩu (8 - 9%), thì trong giai đoạn bình thường, biên lợi nhuận gộp của Tập đoàn Hoà Phát kỳ vọng sẽ duy trì quanh mức 18 - 20%, tương đương lợi nhuận gộp/tấn đạt khoảng 3- 3.1 triệu VNĐ/tấn vào nửa đầu năm 2025.

Công suất Dự án Dung Quất 2 sẽ nhanh chóng được lấp đầy

Chu kỳ giá thép
Các chu kỳ giá thép từ năm 2009 đến nay. (Nguồn: BSC Equity Research)

Giai đoạn nửa đầu năm 2025 dự kiến sẽ là thời điểm đánh dấu chu kỳ mới của ngành thép và  bất động sản, cũng trùng với thời điểm “siêu” dự án Khu liên hợp Gang thép Dung Quất 2 bắt đầu hoạt động.

Theo đánh giá của một số tổ chức tài chính, Lò cao 1 (giai đoạn 1) của Dự án Dung Quất 2 dự kiến sẽ hoạt động vào cuối quý 4/2024, chậm nhất là quý 1/2025; lò cao 2 (giai đoạn 2) sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm 2025.

Dự án Dung Quất 2 có tổng công suất thiết kế đạt 5,6 triệu tấn thép/năm, bao gồm 4,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) và 1 triệu tấn thép đặc biệt. Qua đó, tổng năng lực sản xuất HRC của Tập đoàn Hoà Phát sẽ đạt 8,6 triệu tấn.

Đáng chú ý, BSC Equity Research nhận định, nhờ kinh nghiệm vận hành và loạt hoạt động xúc tiến tiêu thụ đã được Tập đoàn Hoà Phát triển khai, Dự án Dung Quất 2 sẽ sớm lấp đầy 85% công suất giai đoạn 1 trong năm 2025 và 90% công suất trong năm 2026.

Việc nhanh chóng lấp đầy công suất còn tạo ra lợi thế quy mô, giúp Tập đoàn Hoà Phát tiếp cụ giảm được giá thành sản xuất.

Giá cổ phiếu HPG Tập đoàn Hoà Phát
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hoà Phát trong 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Dự án Dung Quất 2 của Tập đoàn Hoà Phát (HPG) có thể hoạt động từ cuối năm nay" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, sau khi Dự án Dung Quất 1 hoạt động tối đa, sản phẩm HRC của Tập đoàn Hoà Phát đã có chi phí sản xuất tương đối cạnh tranh tại châu Á. Bằng chứng là trong năm 2023 khi giá thép thế giới ở đáy chu kỳ và chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ thép giá rẻ của Trung Quốc, Tập đoàn Hoà Phát vẫn tiêu thu được từ 315.000 - 325.000 tấn HRC/tháng qua kênh xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội bộ cho sản xuất ống thép, tôn mạ.

Do đó, với Dự án Dung Quất 2, chi phí sản xuất HRC của Tập đoàn Hoà Phát dự kiến sẽ ở mức cạnh tranh hàng đầu khu vực ASEAN và có thể trên toàn châu Á. Đáng chú ý, điều này cũng sẽ giúp các sản phẩm hạ nguồn như ống thép và vỏ container của Tập đoàn Hoà Phát cạnh tranh hơn về giá cả.

Theo dự phóng hiện tại của BSC Equity Research, Dự án Dung Quất 2 sẽ góp phần giúp quy mô doanh thu của Tập đoàn Hoà Phát trong năm 2025 tăng thêm 30% và lợi nhuận tăng thêm 64% so với năm 2024.

BSC Equity Research nhận định các chỉ số định giá hiện nay của cổ phiếu HPG đều đang thấp hơn trong 1 chu kỳ thép (P/E trung bình 7 - 8x, P/B trung bình là 1,5 - 1,7x), do đó, đây có thể là “mức rẻ” để đầu tư vào cổ phiếu HPG khi thời điểm đáy của chu kỳ thép đã qua trong năm 2023 và Tập đoàn Hoà Phát đang ở trước giai đoạn mở rộng mạnh mẽ.

Nguồn : "Tạp chí Công Thương"

Thông tin khác