Việc hưởng ưu đãi từ Hiệp định UKVFTA và CPTPP sẽ giúp hàng hóa Việt Nam có nhiều lợi thế hơn và gia tăng năng lực cạnh tranh tại thị trường Anh.
Hàng Việt Nam "nhân đôi' lợi thế
Dự kiến, ngày 15/12/2024, thỏa thuận về việc Vương quốc Anh tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ có hiệu lực. Như vậy, bên cạnh Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), Việt Nam có thêm những chính sách theo CPTPP với thị trường Anh.
Theo Bộ Công Thương, những điểm nổi bật theo cam kết của Vương quốc Anh trong văn kiện gia nhập CPTPP mang lại lợi ích cho Việt Nam. “Việt Nam đã đạt được mục tiêu trong việc yêu cầu Vương quốc Anh cam kết mở cửa thị trường ở mức cao theo tiêu chuẩn của Hiệp định và cao hơn cho Việt Nam trong một số nội dung quan trọng đối với ta so với cam kết cho các nước thành viên khác, cũng như cao hơn cam kết trong FTA song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh” - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV hôm 8/6/2024.
Theo đó, khi gia nhập CPTPP, Vương quốc Anh cam kết xóa bỏ 94,4% số dòng thuế cho Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực (các nước thành viên CPTPP khác là 93,9%). Về cơ bản, nhiều mặt hàng nông sản có tiềm năng và thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như gạo, thủy sản, tinh bột sắn... đều được hưởng mức cam kết của Vương quốc Anh tốt hơn so với cam kết trong UKVFTA.
Ví dụ, đối với gạo - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong khuôn khổ CPTPP, Vương quốc Anh cam kết dành riêng cho Việt Nam lượng hạn ngạch thuế quan tăng dần từ 3.300 tấn/năm trong năm đầu tiên, lên 17.500 tấn/năm kể từ năm thứ 8 (tức là năm 2030) trở đi, với mức thuế suất trong hạn ngạch là 0%, cao gần gấp đôi lượng hạn ngạch gạo mà Vương quốc Anh cam kết chung cho các nước CPTPP khác.
Vương quốc Anh cũng cam kết sẽ phân bổ hạn ngạch theo nguyên tắc “doanh nghiệp đăng ký trước thì được cấp trước” và không đặt ra yêu cầu thủ tục hành chính là cấp giấy chứng nhận chủng loại gạo như trong FTA song phương trước đây.
Một mặt hàng xuất khẩu khác là thế mạnh của Việt Nam là cá ngừ cũng được Vương quốc Anh cam kết xóa bỏ hoàn toàn hạn ngạch và thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 7 năm với một số ít dòng thuế, mức cải thiện lớn so với hạn ngạch thuế quan chỉ ở mức trên 1.500 tấn/năm trong Hiệp định FTA song phương trước đây.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, cùng với việc gia nhập CPTPP, Vương quốc Anh đã có văn bản chính thức công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, điều đó rất thuận lợi cho nước ta trong các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, đặc biệt là điều tra chống bán phá giá. Với kết quả này, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sẽ không bị phân biệt đối xử, được áp dụng mức thuế chống bán phá giá hợp lý hơn.
Thúc đẩy tăng trưởng thương mại song phương mạnh mẽ
Hiện nay, Vương quốc Anh là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Âu sau Hà Lan và Đức. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 8 tháng năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt hơn 5,05 tỷ USD, tăng 23,5%. Điều này cho thấy, Hiệp định UKVFTA đã và đang mở rộng cánh cửa để hàng hoá Việt Nam tiếp cận thị trường xuất khẩu tiềm năng của thế giới. Bên cạnh đó, với các ưu đãi thuế quan tương đối lớn là lợi thế để hàng hoá Việt Nam nâng sức cạnh tranh trên thị trường Anh.
Thực tế cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng sang Anh thời gian qua thể hiện rõ nét năng lực cạnh tranh và tính chủ động của doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng dư địa thị trường và các ưu đãi từ Hiệp định UKVFTA. Hiện, nhiều mặt hàng Việt Nam đang dần chiếm lĩnh thị trường Anh, điển hình như dệt may, giày dép điện tử dân dụng, thiết bị phụ tùng và có nhiều mặt hàng đang có triển vọng tăng trưởng là sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sắt, thép.
Với lộ trình cắt giảm thuế quan của Hiệp định UKVFTA, cùng những ưu đãi chính sách theo CPTPP với thị trường Anh, hàng hoá Việt Nam đang dần có ưu thế nổi trội so với sản phẩm cùng loại từ các quốc gia khác chưa có FTA với Anh như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Malaysia, Indonesia hay một số các nước Nam Mỹ.
Ngoài ra, việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ góp phần kết nối khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Mỹ với châu Âu, giúp nâng tầm CPTPP từ một hiệp định trong khuôn khổ khu vực thành hiệp định mang tính toàn cầu, đồng thời góp phần vào sự phát triển hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Về kinh tế, việc Anh gia nhập CPTPP sẽ giúp quảng bá và thu hút thêm nhiều nền kinh tế khác gia nhập FTA khu vực này, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho hàng hóa Việt Nam và góp phần tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew cho biết, Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ thúc đẩy tăng trưởng thương mại song phương mạnh mẽ hơn nữa. “Việc gia nhập CPTPP cho thấy cam kết chiến lược của Vương quốc Anh đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Sự kiện này đặc biệt có ý nghĩa khi hai nước chúng ta đang kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Tôi mong muốn được hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam, các đối tác và doanh nghiệp để tận dụng tối đa mối quan hệ hợp tác mới này” - Đại sứ Iain Frew nhấn mạnh thêm.
Nguồn: https://trungtamwto.vn/
(VNF) - Dù tình hình vĩ mô đã được cải thiện rất nhiều thông qua các con số nhưng nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Một trong những biểu hiện là chưa bao giờ tổng cầu thấp như hiện nay, doanh nghiệp hiện nay vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
THÔNG BÁO NGHỈ TẾT NGUYÊN ĐÁN 2025
Dự báo nhu cầu thép trên thị trường nội địa sẽ tăng trưởng tích cực trong năm 2025. Nhưng tốc độ tăng trưởng sản lượng xuất khẩu dự kiến sẽ giảm xuống và các doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với biến số từ ngành thép Trung Quốc
Sáng ngày 8/1/2025, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Việt Nam và Viện Sáng kiến Việt Nam tổ chức hội thảo “Chính sách mới của Hoa Kỳ: Những tác động đến thương mại và đầu tư”
Năm 2025, Bộ Công Thương đã vạch ra 2 kịch bản để duy trì kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ - thị trường lớn nhất của nước ta
Công ty Comau đã giới thiệu sự kết hợp giữa tự động hóa và máy CNC năm trục được thiết kế nhằm mang lại tính linh hoạt, năng động, độ cứng và độ chính xác cao khi gia công các thành phần nhẹ kích thước lớn. Ví dụ như gầm xe ô tô hoặc khay pin được sản xuất bằng phương pháp đúc hoặc dập.
(Chinhphu.vn) - Nhờ có yếu tố nền tảng tốt trong nền kinh tế và các biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ cho nhiều lĩnh vực trong nước, kinh tế Việt Nam đã vượt qua khó khăn, khởi sắc trong năm 2024.
Copyright All @2019 - CÔNG TY CỔ PHẦN CƠ KHÍ TÂY NINH