Tiếng ViệtEnglish
banner 1 banner 2 banner 3

Tin tức

Hai vụ việc chống bán phá giá thép Trung Quốc dự kiến có kết luận trong tháng 8 - tháng 9/2024

15/07/2024 08:00 AM
 
Hiện giá thép cuộn cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam chỉ đạt trung bình 560 USD/tấn, thấp hơn 9% - 17% so với các nguồn nhập khẩu khác.
 
Chống bán phá giá thép
Hiện một số doanh nghiệp sản xuất thép lớn tại Việt Nam đang đề xuất điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép HRC và tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo đánh giá mới đây của hãng Chứng khoán Vietcap, những lo ngại về việc thép cuộn cán nóng (HRC) của Trung Quốc bán phá giá tại thị trường Việt Nam đang xuất hiện trở lại. Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, khoảng 6 triệu tấn thép HRC đã được nhập khẩu về Việt Nam, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lượng thép có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm đến 74%.

Chứng khoán Vietcap đánh giá Trung Quốc đang đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh ngành bất động sản tại  nước này tiếp tục kém khả quan, khiến tình trạng dư thừa công suất kéo dài. Đáng chú ý, giá HRC nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay chỉ ở mức trung bình 560 USD/tấn, thấp hơn khoảng 9% - 17% so với các nguồn nhập khẩu khác.

Đại diện một số doanh nghiệp sản xuất thép trong  nước chia sẻ, nhiều doanh nghiệp thép Trung Quốc hiện đang chấp nhận bán dưới giá vốn nhằm giải quyết tình trạng tồn kho. Ngoài ra, một số doanh nghiệp thép nước này bù đắp khoản lỗ từ việc tham gia giao dịch trên thị trường kỳ hạn.

Trong năm 2023, tổng lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng 39% so với năm 2022, đạt 92 triệu tấn. Con số này tương đương với giai đoạn 2014-2016 - khi thép xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc tràn vào thị trường toàn cầu.

Chứng khoán Vietcap hiện dự báo lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc trong năm nay có thể vượt đáng kể so với năm 2023, do lượng xuất khẩu nửa đầu năm nay đã tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc thép các loại của Trung Quốc với giá rẻ tràn vào Việt Nam đã thúc đẩy hai nhà sản xuất thép HRC lớn nhất Việt Nam là Tập đoàn Hoà Phát (mã cổ phiếu HPG) và Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh và 5 nhà sản xuất tôn mạ, bao gồm Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG) và Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG) đệ trình lên Bộ Công Thương đề xuất điều tra chống bán phá giá thép HRC và tôn mạ kẽm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Giá cổ phiếu thép
Tương quan biến động giá cổ phiếu của một số doanh nghiệp ngành thép trong 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Tập đoàn Hoa Sen (HSG), Thép Nam Kim (NKG)… hưởng lợi như nào nếu tôn mạ Trung Quốc bị áp thuế?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Đối với đề nghị điều tra chống bán phá giá HRC nhập khẩu, vào ngày 14/06/2024, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã xác nhận hồ sơ đề nghị của Tập đoàn Hoà Phát và Formosa Hà Tĩnh đã đầy đủ và hợp lệ.

Cục Phòng vệ thương mại sẽ thẩm định hồ sơ trong vòng 45 ngày tiếp theo. Sau khi thẩm định, Bộ Công Thương sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc có tiến hành điều tra chống bán phá giá hay không trong vòng 15 ngày tiếp theo. Như vậy, quyết định liên quan đến vụ việc này dự kiến sẽ được công bộ vào khoảng giữa tháng 8/2024.

Đối với đề nghị điều tra chống bán phá giá tôn mạ nhập khẩu của các nhà sản xuất tôn mạ, vào ngày 14/06/2024, Bộ Công Thương đã quyết định mở cuộc điều tra chống bán phá giá chính thức đối với tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc, theo mã vụ việc mới là AD19.

Trong 90 - 150 ngày tiếp theo, Bộ Công Thương sẽ tiến hành quá trình điều tra để ra quyết định cuối cùng có áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc hay không.

Theo Chứng khoán Vietcap, nếu tìm thấy đủ bằng chứng về việc bán phá giá, biện pháp chống bán phá giá tạm thời có thể sẽ được áp dụng sớm nhất là vào giữa tháng 9/2024.


Duy Quang

Nguồn "Tạp chí Công Thương"

Thông tin khác